Ngành cơ khí: Từng bước làm chủ công nghệ
Nhiều thành tựu trong nghiên cứu ứng dụng
Đánh giá về những điểm sáng trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) lĩnh vực cơ khí, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết: Hàng trăm chủng loại sản phẩm cơ khí chế tạo xuất phát từ kết quả của hoạt động nghiên cứu KH&CN đã được thiết kế, chế tạo thành công với giá thành cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu sản xuất, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Một số đơn vị đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD; một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài như hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW hay ở lĩnh vực bị cơ khí thủy công, đến nay, đã thực hiện trên 20 dự án thủy điện công suất lớn.
Bên cạnh đó, đối với chuyên ngành cơ khí giao thông, đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất các linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ chất lượng cao với tỷ lệ nội địa hóa đến 40%; mở rộng chế tạo ô tô tải nặng và xe chuyên dụng đáp ứng yêu cầu của sản xuất, phương tiện có chất lượng tương đương với các nước trong khu vực ASEAN. Trong chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, đã tạo được nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất chế biến phục vụ nông nghiệp như dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến tinh bột sắn, thiết kế chế tạo bơm chìm với công nghệ cao, bơm có công suất lớn đến 36.000 m3/h thay thế nhập khẩu…
Ông Đào Phan Long - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam - cho hay, trước đây, tất cả dạng kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn của các nhà máy công nghiệp, dàn khoan dầu khí, công trình thủy điện, thủy lợi, nhà máy xi măng, hóa chất đều phải mua của nước ngoài... nhưng nay Việt Nam đã chủ động được với tỷ lệ nội địa hóa cao. Việt Nam cũng có thể đóng tàu 70.000 tấn và 105.000 tấn.